Private label là gì? Vén màn bí mật các sản phẩm nhãn hiệu riêng
Bạn đã bao giờ nghe đến khái niệm Private Label? Đây là một trong số những phương thức kinh doanh online đang phát triển mạnh mẽ và rất tiềm năng, được ngày càng nhiều seller lựa chọn với ưu điểm dễ dàng xây dựng thương hiệu cá nhân trong tương lai. Hãy cùng ShopBase tìm hiểu ngay!
Menu:
1. Private Label là gì?
1.1. Khái niệm
Nếu bạn đã biết đến White Label thì Private Label cũng có cách thức hoạt động tương tự: sản phẩm được sản xuất bởi một nhà cung cấp, sau đó được dán nhãn thương hiệu của một đơn vị khác và do đơn vị đó phân phối ra thị trường. Tuy nhiên điểm khác biệt giữa căn bản giữa hai mô hình này nằm ở tính độc quyền.
Đối với Private Label, nhà sản xuất chỉ thực hiện dòng sản phẩm đó để cung cấp cho một nhà bán lẻ duy nhất và họ sẽ được độc quyền kinh doanh mặt hàng này.
Ta hãy cùng minh họa mô hình vận hành của Private Label bằng một ví dụ về thương hiệu cà phê mang tên LaLa Coffee.
- Bước 1: Nhà cung cấp và nhà bán lẻ thỏa thuận hợp tác về một dòng sản phẩm độc quyền. Cụ thể, LaLa Coffee ký hợp đồng với một thương hiệu cà phê khác (ví dụ như Vega Coffee) để họ sản xuất loại cà phê riêng dán nhãn LaLa. Hai bên cùng thương lượng và thống nhất các điều khoản để việc hợp tác diễn ra suôn sẻ.
- Bước 2: Nhà cung cấp sản xuất sản phẩm, dán nhãn và vận chuyển đến cho nhà bán lẻ. Ở bước này, Vega Coffee sẽ tiến hành sản xuất cà phê với công thức riêng, dán nhãn thương hiệu LaLa Coffee và vận chuyển đến kho hàng của LaLa. Nhà bán lẻ (LaLa Coffee) thanh toán giá trị hàng hóa cũng như các khoản phí phát sinh cho nhà cung cấp (Vega Coffee).
- Bước 3: Nhà bán lẻ tiến hành kinh doanh, phân phối sản phẩm dưới tên của mình. Như vậy, thương hiệu của nhà bán lẻ, hay chính là LaLa Coffee, sẽ được phủ sóng rộng rãi trên thị trường và thu hút ngày càng nhiều khách hàng. Còn nhà cung cấp, hay Vega Coffee tuy không được người tiêu dùng biết đến nhưng lợi nhuận và doanh số của họ sẽ càng gia tăng nếu đối tác của họ làm ăn suôn sẻ.
1.2. Những sản phẩm nào thường được kinh doanh Private Label?
Các sản phẩm để làm nhãn hàng riêng (Private Label products) phổ biến nhất chính là các mặt hàng tiêu dùng, cụ thể gồm có:
- Sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm.
- Đồ uống, mặt hàng sữa.
- Thực phẩm đông lạnh.
- Gia vị và nước sốt.
- Sản phẩm làm từ giấy.
- Chất tẩy rửa gia dụng.
- Quần áo, hàng thời trang.
- Đồ ăn và phụ kiện dành cho thú cưng.
Tại Việt Nam hiện nay, các chuỗi siêu thị lớn đều tập trung phát triển những dòng sản phẩm mang nhãn hiệu riêng để phủ sóng thương hiệu của mình.
Ví dụ: hệ thống siêu thị Lotte Mart của Hàn Quốc xâm nhập thị trường nước ta từ năm 2008 đến nay và đã phát triển hai dòng sản phẩm Private Label là Choice L và Choice L Save, chủ yếu cho thực phẩm/đồ gia dụng. VinMart cũng lựa chọn phân phối nhãn hàng riêng để thu hút thêm nhiều khách hàng biết đến mình, và đã khá thành công với nhãn hiệu độc quyền VinEco cho các sản phẩm rau sạch, an toàn.
2. Ưu điểm và hạn chế khi kinh doanh các sản phẩm Private Label
2.1. Ưu điểm
Khi kinh doanh sản phẩm theo mô hình Private Label, bạn sẽ có cho mình những lợi ích cụ thể sau đây:
- Kiểm soát tốt quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, giá cả và lợi nhuận: Nhà bán lẻ được quyền chỉ đạo nhà cung cấp về thành phần của sản phẩm, quy trình sản xuất và chất lượng thành phẩm. Như vậy đồng nghĩa với việc bạn quản lý được cả chi phí đầu tư cho việc sản xuất và quyết định giá bán ra, vì vậy bạn cũng có thể tùy chỉnh được lợi nhuận đem lại từ việc hợp tác này.
- Khả năng thích ứng tốt: Là một nhà bán lẻ, nếu bạn nhận thấy nhu cầu của thị trường về một ngành hàng nào đó đang tăng cao, bạn có thể nhanh chóng tạo ra dòng sản phẩm Private Label của riêng mình để đáp ứng khách hàng. Quy trình chuyển đổi và sản xuất không mất nhiều thời gian nên rất dễ dàng thực hiện, hơn nữa các công ty lớn thường không cạnh tranh với bạn trong việc cung ứng hàng hóa cho thị trường ngách.
- Tính độc quyền cao: Với mô hình Private Label, bạn chiếm độc quyền cung ứng sản phẩm mang nhãn hiệu của bạn, tạo được dấu ấn riêng và tách biệt khỏi các đối thủ cạnh tranh. Nếu quảng bá và tiếp thị tốt thì lợi ích mang lại sẽ rất lớn, vì chỉ có duy nhất bạn là nhà cung cấp sản phẩm mang nhãn hiệu này trên thị trường.
2.2. Nhược điểm
- Phụ thuộc vào nhà sản xuất: Dù bạn nắm quyền kiểm soát quá trình sản xuất nhưng bạn vẫn không phải là đơn vị trực tiếp tạo nên sản phẩm, vì vậy một phần chất lượng mặt hàng của bạn vẫn phụ thuộc vào nhà sản xuất. Nếu tay nghề nhân viên của họ không cao, hoặc xảy ra các sự cố phát sinh, v.v… thì rất có thể chất lượng hàng hóa sẽ giảm đi. Bởi vậy bạn nên tìm hiểu và hợp tác với đơn vị uy tín và nổi tiếng trên thị trường để đảm bảo vấn đề này.
- Khó xây dựng được lòng trung thành từ khách hàng: Dòng sản phẩm độc quyền của bạn chỉ có một số lượng nhất định và chỉ bày bán ở một cửa hàng, trong khi khách hàng có thể tìm thấy nhiều mặt hàng gia dụng từ các thương hiệu lớn ở nhiều tiệm tạp hóa, siêu thị, v.v… Đó là lý do vì sao các hệ thống siêu thị lớn và sẵn có lượng khách hàng khổng lồ như VinMart, Lotte Mart lại phát triển các mặt hàng Private Label, vì họ có nền tảng để dễ dàng phủ sóng sản phẩm hơn.
- Nhận thức của khách hàng chưa cao: Không ít người quan niệm rằng sản phẩm Private Label có giá rẻ và chất lượng thấp. Tuy rằng quan niệm này đang thay đổi dần, nhưng việc khách hàng chưa đủ tin tưởng vào sản phẩm của bạn cũng có thể tạo nên một số khó khăn.
3. Bắt đầu kinh doanh sản phẩm Private Label của riêng bạn!
3.1. Xác định sản phẩm mục tiêu
Để tìm cho mình một chỗ đứng trên thị trường, hãy xác định đúng sản phẩm mục tiêu. Đối với Private Label, tốt nhất bạn nên chọn thị trường ngách, vừa tránh được các đối thủ đáng gờm vừa có sẵn một tệp khách hàng với nhu cầu cao do sản phẩm mà họ muốn mua có ít người phân phối. Tuy nhiên thị trường ngách mà bạn nhắm đến vẫn cần có độ phổ biến nhất định để phát triển. Nên chọn các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu như quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm và đồ skin-care, v.v…
3.2. Tìm nhà cung cấp
Đây là khâu rất quan trọng, vì như đã trình bày ở trên, nhà cung cấp nắm một nửa vai trò quyết định đến chất lượng sản phẩm của bạn. Hơn nữa, vì hai bên trực tiếp hợp tác và phân phối hàng hóa nên bạn cần phải tìm được một đối tác có những chính sách phù hợp cho bạn. Hãy đọc kỹ các review, feedback của khách hàng cũng như các đối tác khác về nhà cung cấp, nghiên cứu kỹ càng chính sách và điều kiện hợp tác, đồng thời dựa vào tính chất sản phẩm mục tiêu mà mình đã nhắm để chọn được đơn vị phù hợp.
3.3. Order sản phẩm mẫu
Trước khi chính thức kinh doanh Private Label, bạn hãy order từ đối tác sản phẩm mẫu để tự mình trải nghiệm, kiểm tra và đánh giá chất lượng mặt hàng. Với bước này, bạn có thể phát hiện sớm các vấn đề hoặc sai sót tồn tại để phản hồi, yêu cầu nhà cung cấp khắc phục.
3.4. Mở một cửa hàng online
Trang web/cửa hàng online chính là nơi giao tiếp và kết nối giữa bạn với khách hàng. Hãy thiết kế giao diện cửa hàng thật bắt mắt đồng thời tối ưu liên tục để khách hàng có những trải nghiệm ấn tượng, mượt mà.
3.5. Marketing và nhận những đơn hàng đầu tiên
Sau khi đã có trong tay một cửa hàng thì bước tiếp theo, cũng là bước triển khai đóng vai trò quyết định thành bại đối với hầu hết mọi mô hình Make Money Online – Marketing.
Bạn cần phải thúc đẩy quảng bá, tiếp thị để càng nhiều người biết đến doanh nghiệp của bạn càng tốt. Đăng tải hình ảnh/video đẹp long lanh về sản phẩm, chạy quảng cáo trên nhiều kênh bao gồm các mạng xã hội nổi tiếng nhất, và có thể là seeding cho doanh nghiệp nữa. Khi đã có những đơn hàng đầu tiên, bạn có thể tiến hành thu thập feedback của khách hàng để tiếp tục cải thiện sản phẩm, dịch vụ…
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi “Private Label là gì“, cách thức vận hành, những ưu nhược điểm cũng như tips kinh doanh hiệu quả đối với mô hình này. Liên hệ ngay với ShopBase nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào cần giải đáp!
SHOPBASE – DROPSHIPPING, PRINT-ON-DEMAND MADE EASY
- Website: https://www.shopbase.com/
- Fanpage: https://www.facebook.com/ShopBaseVietnam/
- Cộng đồng ShopBase VN – Dropship & POD
- Youtube: https://www.youtube.com/c/ShopBaseVietnam
- Địa chỉ: 130 Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội
- Hotline: 024 6296 9246