Bí ngô: Halloween và một biểu tượng của người Mỹ
Cứ đến tháng 10 hàng năm, khắp các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, chợ ở Mỹ đều tràn ngập bí ngô với đủ hình dạng và màu sắc, nhưng chủ yếu vẫn là bí ngô vàng. Có quả được đục sẵn theo hình mặt người, trang trí rất bắt mắt, nhưng đa phần vẫn là các quả nguyên để cho khách hàng mua về tự đục và trang trí. Một quả bí ngô đã bị đục trung bình có thể giữ được 5 đến 10 ngày. Nếu chọn được quả đẹp và dùng thêm các chất bảo quản thì bí ngô vẫn giữ được vẻ vàng tươi trong khoảng 2 tuần trước khi bắt đầu mục rữa.
Mấy ngày gần đây, khắp các mặt báo ở Mỹ còn tràn ngập hình ảnh của một gia đình ở Kenova, West Virginia trưng bày quanh nhà 3000 quả bí ngô được đục lỗ. Họ coi hành động ấy như là một truyền thống gia đình cứ mỗi lần Halloween đến. Đục một quả đã khó, mà đục tận 3000 quả thì đủ thấy tốn thời gian, công sức và sự hào hứng của người Mỹ đối với bí ngô và Halloween đến nhường nào.
Source: Today.com
Theo Finder, trong năm 2019, sẽ có hơn 145 triệu (chiếm khoảng 44% dân số) người Mỹ sẽ mua ít nhất một quả bí ngô để làm đèn lồng Jack O’Lantern. Trung bình một quả bí ngô có giá là $2.60 nên tính sơ qua, tổng chi tiêu mua bí ngô cho ngày lễ Halloween tại Mỹ năm nay sẽ vào khoảng hơn 377,23 triệu USD. Quả là một con số vô cùng lớn.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao cứ đến ngày Halloween, người Mỹ lại mua rất nhiều bí ngô đến vậy?
Lịch sử bí ngô vào ngày lễ Halloween
Truyền thống đục các loại củ quả theo hình mặt người xuất phát từ người Xen-tơ (Celts). Đây là một bộ tộc cổ, sinh sống chủ yếu ở vùng Tây Âu, bao gồm Brittany, Cornwall, Wales, Scotland, Ireland, và Đảo Man.
Trong văn hóa tâm linh người Xen-tơ, từ ngày 31 tháng 10 cho đến ngày 1 tháng 11 chính là lúc linh hồn của những người đã chết năm đó sẽ biến mất. Vì thế, thời điểm này ma quỷ sẽ xuất hiện rất nhiều. Chúng quẩn quanh các đống lửa mà người Xen-tơ dựng lên giữa cánh đồng để ăn mừng vụ mùa và chào đón mùa đông sắp đến. Họ tin rằng chỉ có ánh sáng mới bảo vệ được họ trên đường ra cánh đồng, nên họ bắt đầu đục lỗ củ cải theo hình mặt người, khoét bỏ ruột và đặt một cây nến bên trong để làm đèn dẫn đường. Ánh sáng chiếu qua “mắt”, “mũi”, “miệng” của củ cải sẽ khiến ma quỷ sợ hãi và bỏ đi. Chiếc đèn này cũng là thứ giúp cho những người đi đường và linh hồn của những người tốt biết phương hướng trở về nhà.
Chiếc đèn lồng bằng củ cải đó về sau được đặt tên theo Stingy Jack — một người nông dân hà tiện sống ở vùng đất Ireland. Một hôm, Jack mời quỷ cùng đi uống rượu và đến khi phải trả tiền, Jack gạ quỷ tự biến thành tiền để trả cho người bán hàng. Vì bản tính láu cá, Jack liền bỏ ngay đồng tiền vào túi có chiếc thánh giá nên quỷ không thể trở lại nguyên hình được nữa.
Khi quyết định bỏ cây thánh giá ra khỏi túi để quỷ trở về hình dạng ban đầu, Jack đã đưa ra điều kiện rằng quỷ không được quấy nhiễu mình trong suốt 1 năm. Và nếu Jack chết, quỷ cũng không được thu hồi linh hồn của mình. Hết một năm giao kèo, vì sợ quỷ trở mặt, Jack lừa quỷ leo lên cây táo hải quả. Trong lúc quỷ loay hoay trên cây thì Jack khắc ngay hình thánh giá vào gốc khiến quỷ hoảng hốt không dám leo xuống. Lần này, Jack lại đưa ra thỏa thuận là quỷ không được trêu chọc anh trong thêm 10 năm nữa thì anh mới giải thoát cho quỷ.
Một thời gian sau đó, Jack chết. Hồn ma của Jack đến gõ cửa thiên đường nhưng Thượng đế không cho vào vì Jack đã nhiều lần lừa đảo với cả quỷ dữ. Jack bèn tìm xuống địa ngục nhưng vì giữ lời hứa, quỷ không bắt hồn Jack và đuổi anh đi. Thấy Jack đáng thương, quỷ đã cho Jack một cục than hồng để dò đường trong đêm tối. Jack bỏ cục than vào trong một củ cải rỗng ruột và từ đấy mãi lởn vởn khắp dương gian.
Source: The Fairytale Traveler
Người Ireland lan truyền câu chuyện thần thoại đó và bắt đầu đặt các củ cải được đục lỗ ở cửa sổ của họ để ngăn Jack hà tiện và những con quỷ khác vào nhà. Sau này, khi người Ireland nhập cư vào Mỹ, họ nhận thấy ở Mỹ có rất nhiều quả bí ngô to, tiện lợi để đục hình mặt người nên họ đã coi bí ngô là loại quả lý tưởng để làm đèn Jack O’Lantern.
Đến nay, có rất nhiều biến thể khác nhau về câu chuyện quả bí ngô trong ngày lễ Halloween. Tuy nhiên, tất cả đều xoay quanh một ý nghĩa rằng chiếc đèn này sẽ giúp con người tránh khỏi tà ma và sự xâm nhập của quỷ dữ.
Không chỉ Halloween, bí ngô còn là một biểu tượng của người Mỹ
Có một sự thật ít người biết đến rằng quả bí ngô không chỉ là một biểu tượng của ngày lễ Halloween mà dần dần nó đã trở thành biểu tượng của cả người Mỹ.
Hãy tưởng tượng một gia đình Mỹ, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ. Cứ đến tháng 10, vào một lúc nào đó trong tháng, một thành viên trong gia đình sẽ đi đến siêu thị hoặc đến thẳng trang trại trồng bí ngô, mua rất nhiều những quả bí ngô vàng cam sặc sỡ, sáng mịn về nhà. Cả gia đình sẽ quây quần bên nhau, cùng đục những quả bí ngô ấy theo hình mặt người, bỏ hết hạt và trang trí chúng thật đẹp.
Một vài tuần sau đó khi mà Halloween vừa qua đi, họ lại tiếp tục mua bí ngô về để cùng nhau làm bánh bí ngô chào đón lễ Tạ Ơn đầy ý nghĩa. Rồi cứ thế, việc mua bí ngô cứ tiếp diễn trong cả mùa Giáng sinh lẫn Năm Mới khiến mùi thơm của bí ngô lúc nào cũng tràn ngập khắp căn nhà.
Nỗi ám ảnh của người Mỹ đối với những quả bí ngô màu da cam đã giúp cho những người nông dân và các thương gia kiếm bộn tiền đến nỗi mà trong hơn hai thập kỷ qua, việc trồng bí ngô ở Mỹ đã phát triển rất mạnh mẽ. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, chỉ tính riêng giai đoạn năm 2001–2014, sản lượng bí ngô đã tăng gần gấp đôi giá trị, từ 75 triệu USD lên 143 triệu USD. Dù nhiều thiên tai, dịch bệnh, mưa lũ, nhưng tại quốc gia này, bí ngô vẫn luôn được sản xuất nhiều hơn so với tỏi, dưa chuột và các loại rau phổ biến khác.
Với hàng triệu gia đình Mỹ, sự hiện diện của bí ngô trong các ngày lễ quen thuộc đến nỗi mà việc mua bí ngô đã trở thành thói quen tự nhiên, thường nhật. Chẳng có gì phải suy nghĩ nhiều khi họ sẵn sàng chi hàng trăm, hàng nghìn đô la để mua bí ngô về trang trí và chế biến món ăn. Họ còn yêu thích cả những chiếc áo thun, cốc, chăn mền, mũ, giày, tranh canvas… in hình chiếc bí ngô hay câu trích dẫn ngộ nghĩnh. Họ coi đó là những món quà ý nghĩa để tặng người thân, bạn bè như là cách chuyển giao thông điệp cùng gìn giữ biểu tượng của cả một dân tộc. Thậm chí còn có một câu thơ rằng, “Chúng ta có bí ngô buổi sáng và bí ngô buổi trưa. Và nếu không có bí ngô thì chúng ta chưa chuẩn bị đủ đồ ăn rồi”.
Tháng 10 đến, mùa thu đến và đó chính là mùa của bí ngô. Những người Mỹ yêu mùa thu yêu mọi thứ về bí ngô và gần như ai cũng sở hữu ít nhất một thứ gì đó liên quan đến loại quả này. Kể cả lướt qua các mạng xã hội, dễ thấy một không khí đầy tươi sáng với hình ảnh những quả bí ngô vàng rực được in trên nhiều sản phẩm khác nhau, từ quần áo, mũ nón cho đến ốp điện thoại và tranh ảnh.
Nắm bắt được xu hướng ấy, các seller cũng không ngừng nghĩ ra hàng loạt ý tưởng về bí ngô và liên tục cải tiến sản phẩm để phục vụ khách hàng. Những chiếc áo thun với hình quả bí ngô được cách điệu hay in các câu nói về bí ngô như “Wow, you’re jacked”, “Give ’em pumpkin to talk about”, “Tis the pumpkin spice season”, “I love pumpkin spice a latte”, “Pumpkin spice and everything nice” — tất cả khiến cho tình yêu đối với bí ngô chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại ở Mỹ.
Source: Spreadshirt
Bạn đã thấy rạo rực với các ý tưởng sản phẩm về bí ngô chưa? Nếu đã sẵn sàng rồi thì hãy nhanh tay tạo ngay cửa hàng với ShopBase để mang chúng đến với khách hàng. Hàng triệu người đang săn lùng những món đồ về bí ngô đẹp, độc, lạ nên đừng bỏ lỡ cơ hội tăng tốc doanh thu cuối năm này nhé.